Bình Thuận: Xử phạt hộ kinh doanh sữa và cơ sở khí dầu mỏ hoá lỏng

Admin

Ngày 9/5, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành xử phạt một hộ kinh doanh sữa trên địa bàn huyện Đức Linh.

Số hàng hóa kinh doanh sữa không có hóa đơn, chứng từ

Theo đó, thực hiện nghiêm kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, từ ngày 15/4 đến ngày 7/5, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức ký cam kết với hơn 30 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương với nội dung: không kinh doanh thực phẩm hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến ngày 25/4, thông qua công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 4 đã thu thập thông tin về dấu hiệu vi phạm pháp luật, tiến hành kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh sữa trên địa bàn huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận).

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang kinh doanh lô hàng hóa là 32 lon sữa bột nhãn hiệu meiji do Nhật Bản sản xuất, loại 800g/lon, trên bao bì của mỗi lon có ghi chữ MADE IN JAPAN, giá bán niêm yết tại cơ sở là 400.000 đồng/lon.

Tổng giá trị của lô hàng này tính theo giá niêm yết tại cơ sở là 12.800.000 đồng. Số hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa kèm theo, trên hàng hóa có chữ viết bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Đến ngày 5/5, Đội Quản lý thị trường số 4 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên với số tiền phạt là 10.000.000 đồng; tịch thu tang vật là 32 lon sữa bột nhập lậu theo quy định của pháp luật.

Tiêu dùng & Dư luận - Bình Thuận: Xử phạt hộ kinh doanh sữa và cơ sở khí dầu mỏ hoá lỏng

Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 4 đang tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. (Ảnh: QLTT).

Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 4 tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 nêu trên; đồng thời tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật; ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trên địa bàn quản lý.

Xử phạt trường hợp vi phạm trong kinh doanh LPG

Cũng trong tháng 4, Đội Quản lý thị trường số 1 kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

Hiện nay, số lượng cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn thành phố Phan Thiết ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Do vậy, nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình kinh doanh LPG cũng tăng cao. Đa số các cơ sở kinh doanh mặt hàng này nằm trong khu vực dân cư đông đúc, nếu xảy ra cháy nổ sẽ gây thiệt hại lớn, không chỉ về tài sản mà còn đe dọa tính mạng con người.

Từ ngày 1/4 đến ngày 5/4, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện, xử lý 4 trường hợp vi phạm trong kinh doanh LPG về các hành vi vi phạm: về sử dụng người quản lý, nhân viên làm việc tại cửa hàng bán lẻ LPG chai không được huấn luyện về kỹ thuật an toàn theo quy định và tổng số tiền xử phạt là 52.500.000 đồng.

Tiêu dùng & Dư luận - Bình Thuận: Xử phạt hộ kinh doanh sữa và cơ sở khí dầu mỏ hoá lỏng (Hình 2).

Đội QLTT tuyên truyền pháp luật, ký cam kết không vi phạm pháp luật đối với cơ sở kinh doanh. (Ảnh: QLTT).

Trong thời gian tới, để tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong lĩnh vực kinh doanh LPG trên địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 1 sẽ tiếp tục thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh LPG, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của người quản lý cơ sở kinh doanh LPG và ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định an toàn về tồn chứa, xuất nhập, vận chuyển và sử dụng LPG.