"Nằm im chờ thời" như Be: Từng hoãn ra mắt mảng giao đồ ăn tới 3 năm, nhưng chỉ sau 2 năm lượng đơn hàng tăng 390%, quyết liệt giành sân nhà từ đối thủ ngoại

Admin

Năm 2019, Be Group từng phải hoãn kế hoạch ra mắt beFood để dồn lực cho "cuộc chiến gọi xe". Giờ đây sau 2 năm triển khai, beFood đạt tăng trưởng đơn hàng lên tới 390%, lượng khách sử dụng dịch vụ cũng tăng 250%, trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn đầy màu mỡ vẫn do ShopeeFood và GrabFood thống lĩnh.

Nỗ lực giành lại sân nhà trước các đối thủ ngoại

Be Group được thành lập vào năm 2017, khi thị trường Việt Nam đã dần thích nghi với các ứng dụng đặt xe công nghệ. Với định hướng "Ứng dụng Việt thấu hiểu khách hàng Việt", 100% nhân sự chủ chốt của Be đều là người Việt.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn so với các "ông lớn" nước ngoài đầy tiềm lực, nhờ áp dụng nhiều chiến lược địa phương hoá và tối ưu hoá, Be nhanh chóng tăng trưởng cấp số nhân trong thời gian ngắn. Năm 2023, Be Group công bố họ đang nắm giữ 35% thị phần gọi xe tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mảng giao đồ ăn lại là một cuộc đua khác. Hồi năm 2019, Be Group từng phải hoãn kế hoạch ra mắt beFood sau 6 tháng nghiên cứu và chuẩn bị, nhằm dồn lực cho "cuộc chiến gọi xe". Tới tháng 4/2022, tính năng beFood mới được triển khai.

Mới đây, Be đã công bố những con số đạt được trong mảng giao đồ ăn. Theo đó, tới nay beFood đã đạt tốc độ tăng trưởng đơn hàng lên tới 390%, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tăng 250% so với 2 năm trước.

Số cửa hàng, quán ăn hợp tác với beFood cũng tăng gấp 7 lần kể từ năm 2022, nâng tần suất khách hàng đặt món hàng tháng lên 160%. Tính đến hết tháng 4/2024, trên beFood có khoảng 75.000 nhà hàng, quán ăn. Trung bình mỗi đối tác của beFood đều có tốc độ tăng trưởng đều đặn từ 15% đến 20% hàng tháng nhờ tham gia những chương trình quảng bá định kỳ, chia sẻ chi phí khuyến mãi.

Đáng chú ý, beFood đạt những con số tăng trưởng trên khi chỉ mới triển khai ở hai thị trường là TP.HCM và Hà Nội trong vòng 24 tháng. Đây mới chỉ là bước đầu của chiến lược "giành lại sân nhà" trước các đối thủ ngoại.

Theo Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS, ShopeeFood đang là kênh bán đồ ăn trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam với 42,94% doanh nghiệp sử dụng, cao hơn 2,33% so với vị trí thứ hai là GrabFood. Kết quả khảo sát của iPOS còn đưa ra con số thú vị là 47,6% thực khách lựa chọn ShopeeFood nếu tất cả các ứng dụng giao đồ ăn đều không có khuyến mãi.

Xếp ngay sau hai "ông lớn" ShopeeFood và GrabFood là beFood với hơn 10,84% doanh nghiệp đăng ký sử dụng, cao hơn cả GoFood – tính năng đặt đồ ăn của "kỳ lân công nghệ" Gojek đến từ Indonesia.

Nguồn: Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.

"Nằm im chờ thời"

Nhìn lại thời điểm hoãn ra mắt beFood hồi năm 2019, và giành sức "nằm im chờ thời" suốt 3 năm của Be Group là một quyết định khôn ngoan. Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam trước đây đã xuất hiện những cái tên "sớm nở tối tàn" như Lala hay Vietnammm. Vietnammm sau này bán mình cho Baemin, nhưng ngay cả "ông lớn" mảng giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc cũng đã ngừng hoạt động tại Việt Nam từ tháng 12/2023.

BeFood gia nhập "cuộc chiến giao đồ ăn" trong bối cảnh thị trường đang phục hồi nhanh chóng hậu Covid-19. IPOS cho biết doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam năm 2023 đã hồi phục sát mốc trước đại dịch, với 538.500 tỷ đồng. Còn theo số liệu tổng hợp từ VIRAC và Euromonitor, quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đã tăng từ 31.700 tỷ đồng năm 2021 lên 43.600 tỷ đồng vào năm 2022. Tới năm 2023, con số này là 52.400 tỷ đồng.

"Nhìn chung thị trường giao đồ ăn trực tuyến còn nhiều dư địa để tăng trưởng thị phần, khi mới chỉ có hơn 50% doanh nghiệp đang sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến", iPOS đánh giá.

Hơn nữa, iPOS cho biết kinh doanh online đang giúp các cửa hàng F&B có thêm dòng tiền. Trong danh sách các doanh nghiệp F&B kết nối với ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, 47,9% doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu trực tuyến chiếm từ 25-50% so với tổng doanh thu. Đối với tỷ lệ cao hơn từ 51%, số lượng này chiếm tới gần 10%.

Những kết quả thu về cho thấy beFood dường như đã lựa chọn đúng thời điểm ra mắt. Nền tảng khách hàng cũng đã rộng lớn hơn so với năm 2019 nhờ nỗ lực phát triển dịch vụ đặt xe cùng nhiều tiện ích khác trên ứng dụng. Ngoài ra, Be Group còn vừa được củng cố tiềm lực tài chính khi nhận khoản đầu tư 739 tỷ đồng từ VPBank Securities hồi tháng 1/2024.

Tuy nhiên, tương tự các nền tảng cung cấp dịch vụ gọi đồ ăn khác, Be có lẽ cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc người tiêu dùng tiếp tục siết chặt chi tiêu vì kinh tế khó khăn, chỉ đặt đồ khi có khuyến mại – đẩy các doanh nghiệp vào cuộc chiến "đốt tiền" để thu hút khách hàng.